Với sự gia tăng nhu cầu về năng lượng tái tạo và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, điện mặt trời áp mái đang trở thành một giải pháp tuyệt vời được lựa chọn tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết để đảm bảo điện mặt trời áp mái được tận dụng tối đa, tránh lãng phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong đó, dự thảo về phát triển điện mặt trời áp mái của Bộ Công Thương giới hạn về tổng công suất lắp đặt cũng như quy định về điện mặt trời dư thừa phát lên lưới điện quốc gia với giá 0 đồng đã thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý của cộng đồng người dân, doanh nghiệp.
Mua điện mặt trời áp mái có phụ phí điều độ hoặc hoán đổi chỉ số?
Liên quan nội dung dự thảo quy định phát điện dư lên lưới điện quốc gia với giá 0 đồng của Bộ Công Thương, lãnh đạo một tập đoàn năng lượng phía Nam cho rằng phía Tập đoàn điện lực EVN ( bên mua) hoàn toàn có thể tính toán, hỗ trợ cho nhà đầu tư với giá mưa 50% giá hiện nay để nhà đầu tư bù chi phí sản xuất, tạo sự công bằng, hài hòa lợi ích bởi nguồn điện mặt trời sau khi tiếp nhận sẽ được dùng để bán lại. Nhiều nhà đầu tư cũng cho biết sẽ không phát điện dư lên lưới với giá 0 đồng bởi cơ chế vận hành này sẽ làm giảm tuổi thọ thiết bị.
Các chuyên gia nêu ý kiến về mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, chúng ta nên tính toán thêm các giải pháp khác để tận dụng hết nguồn điện mặt trời áp mái nhằm tránh lãng phí và hài hòa lợi ích của đôi bên giữa các nhà đầu tư (doanh nghiệp, hộ gia đình) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bên cạnh đó, một số chuyên gia và chủ doanh nghiệp khác thừa nhận khi đưa điện mặt trời lên lưới nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến điều độ hệ thống điện, gây áp lực cho EVN khi phải đầu tư hoặc nâng cấp hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng với mức giá 0 đồng là chưa hợp lý, không thể hiện bản chất thị trường khi nguồn điện này sẽ được dùng để bán lại. Do đó, cần có cơ chế, chính sách để EVN mua lại với mức giá phù hợp tùy vào khả năng của đường truyền tải ở mỗi khu vực tỉnh thành để hình thành thị trường.
Ông Trần Văn Nhơn – Tổng giám đốc Intech Energy (doanh nghiệp cung cấp hệ thống điện mặt trời) cho rằng EVN hoàn toàn có thể nghiên cứu cơ chế bù trừ, thu phí điều độ với các dự án điện mặt trời vừa và nhỏ. Điều này giúp làm rõ các chi phí, minh bạch thị trường và tận dụng hiệu quả nguồn điện dư thừa, tránh lãng phí.
Ví dụ cụ thể, Chính phủ có thể đua quy định một hộ gia đình không được lắp nguồn điện năng lượng mặt trời quá công suất tiêu thụ cực đại, sau đó quy đổi 2-5 kWh điện mặt trời nối lưới thành 1 kWh mua điện từ EVN. Như vậy vừa khuyến khích người dân lắp điện mặt trời mà vẫn khống chế được công suất lắp đặt sao cho phù hợp nhất.
Cần có cơ chế để lắp hệ thống lưu trữ điện
Một thách thức khác đối với điện mặt trời áp mái là vấn đề lưu trữ điện năng. Hệ thống ĐMTAM chỉ có thể sản xuất điện trong khoảng thời gian nhất định trong ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện có thể khác nhau tùy theo thời điểm.
Việc lắp đặt hệ thống lưu trữ điện sẽ giúp người sử dụng ĐMTAM:
- Lưu trữ điện năng dư thừa trong thời gian thấp điểm
- Sử dụng điện năng đã lưu trữ trong thời gian cao điểm
- Tận dụng tối đa lượng điện năng sản xuất từ ĐMTAM
- Giảm phụ thuộc vào lưới điện quốc gia
Lắp đặt điện năng lượng mặt trời có nhược điểm là phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và thời tiết, khi không có bức xạ hoặc vào ban đêm, các thiết bị phải dùng điện quốc giá, dẫn đến sự tăng giảm nhanh của hệ thống gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của toàn bộ hệ thống điện quốc gia nếu được đấu nối với hệ thống này.
Trong trường hợp điện mặt trời không được đấu nối với lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp và người dân phải tự cân đối nguồn – tải tại chỗ. Đồng thời khuyến khích kết hợp điện mặt trời áp mái với hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an toán, ổn định cho hệ thống điện.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Điện lực, văn bản pháp luật của Chính phủ vẫn chưa có quy định về việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái kết hợp với hệ thống lưu trữ điện.
Để khuyến khích chủ đầu tư (người dân và doanh nghiệp) lắp đặt hệ thống lưu trữ điện, Chính phủ có thể xem xét các chính sách hỗ trợ như:
- Hỗ trợ tài chính cho việc lắp đặt hệ thống lưu trữ điện
- Miễn giảm thuế cho thiết bị lưu trữ điện
- Cung cấp thông tin và hướng dẫn kỹ thuật về hệ thống lưu trữ điện
Tự sản tự tiêu kiểu san sẻ được không?
Theo dự thảo nghị định, điện mặt trời nối lưới được lắp đặt trên mái nhà không chỉ bị giới hạn công suất và chỉ được bán với giá 0 đồng mà người dân, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống này sẽ không được tự ý bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác.
Với nguồn điện áp mái không nối lưới sẽ không giới hạn công suất, nên được khuyến khích lắp đặt thêm hệ thống lưu trữ . Tuy nhiên, cả hai nguồn điện này đều sẽ không được phép bán cho tổ chức hay cá nhân khác mà chỉ để phục vụ nhu cầu tự dùng, theo bản chất “tự sản tự tiêu”.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp điện mặt trời tại TP.HCM cho biết dự thảo nghị định chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái và bán trực tiếp cho tổ chức. Theo vị này, không phải doanh nghiệp, tổ chức nào cũng có đủ nguồn lực tài chính để tự đầu tư hệ thống điện mặt trời. Do đó, việc để cho các công ty chuyên nghiệp thuê lại mái xưởng để lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời và bán lại cho chính nhà xưởng bên dưới là phù hợp với nhu cầu thị trường, loại hình này không khác gì hình thức tự sản tự tiêu.
Để khuyến khích mô hình tự sản tự tiêu kiểu san sẻ, Chính phủ có thể hỗ trợ bằng các biện pháp sau:
- Tạo ra cơ chế pháp lý cho việc chia sẻ điện năng giữa các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp
- Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho việc triển khai hệ thống ĐMTAM trong cộng đồng
- Xây dựng chính sách khuyến khích việc san sẻ điện năng giữa các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp
Mô hình tự sản tự tiêu kiểu san sẻ không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng điện năng tái tạo mà còn tạo ra một cộng đồng hỗ trợ và phát triển năng lượng xanh.
Theo các chuyên gia, việc xin ngân sách để lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách trong khi thủ tục và quy trình đầu tư thường sẽ kéo dài rất lâu. Do đó, cần có cơ chế cho phép các doanh nghiệp có chuyên môn và kinh nghiệm đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và bán lại cho các cơ quan hành chính với mức giá thấp hơn, khoảng 30 – 50% giá điện bán lẻ.