Thí điểm mua điện mặt trời mái nhà 10% là chỉ đạo mới nhất của Chính phủ liên quan đến Dự thảo Nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà. Tuy vậy, phương án này vẫn đang gây phản ứng trái chiều từ nhiều bên. Trong bài viết này, Intechsolar.vn tổng hợp ý kiến của chuyên gia hàng trong ngành về vấn đề này.
Cho phép bán điện mái nhà dư thừa lên lưới với 10%
Vừa qua, trên cơ sở tờ Tờ trình số 4135/TTr-BCT được Bộ Công Thương trình Chính Phủ ngày 15 tháng 6 năm 2024 liên quan đến Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu các quy định giá mua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này.
Ngoài ra, các giải pháp, điều kiện cần thiết cũng cần được Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu nhằm tránh xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 phương án đã được Bộ Công Thương đưa ra, cũng như đề xuất phương án tối ưu nhất trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn cụ thể.
Dư luận trái chiều về thí điểm mua điện mặt trời mái nhà 10%
Việc Bộ Công Thương đề xuất các phương án giá để mua điện dư từ điện mặt trời mái nhà khiến nhiều người cho rằng Bộ Công Thương “quay xe”. Một số ý kiến còn đề nghị cần tăng sản lượng mua, ghi nhận sản lượng 100%. Khi đó, người dân và doanh nghiệp mới thấy được lợi ích và quyết định đầu tư.
Vậy các chuyên gia trong ngành nói gì về vấn đề này? Kỹ sư Đào Nhật Đình – Chuyên gia năng lượng và môi trường đã có những chia sẻ dưới đây.
Theo ông Đình, ông không đồng tình với việc chọn phương án thanh toán 10% sản lượng điện. Bởi khi đó, công suất điện mặt trời mái nhà vào buổi trưa sẽ không thể kiểm soát được, khi phụ tải điện xuống thấp và các hệ thống điện mặt trời áp mái hộ gia đình hiện có vẫn phát điện mạnh nhất lên lưới. Chuyên gia Đào Nhật Đình cho rằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho hộ gia đình hiện không được kiểm soát, nên cần thiết có quy hoạch phù hợp để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện.
Ông Đình nêu quan điểm: “Tôi thiên về phương án lắp thiết bị điều khiển công suất phát. Chưa rõ giá thành của thiết bị nhưng người lắp điện mặt trời mái nhà sẽ phải tự chịu. Đó chính là cách để họ lựa chọn giữa chi phí bán lên lưới hay lưu trữ tự dùng, đúng nghĩa tự sản tự tiêu.”
Nên hay không xác nhận 100% sản lượng điện?
Chuyên gia Đào Nhật Đình phản đối việc xác nhận 100% sản lượng điện và đồng tình với phương án mua điện mặt trời mái nhà 10% công suất. Ông cho rằng, vấn đề nằm ở công suất chứ không phải sản lượng.
Chuyên gia cho rằng, với tình hình các nguồn điện hỗ trợ cho năng lượng tái tạo bao gồm than và khí đốt đều có nguy cơ không đạt nổi 50% công suất nguồn mới vào năm 2030, thì 2.600 MW điện mặt trời mái nhà như Quy hoạch điện VIII sẽ quá thừa thãi, nhưng để đáp ứng với nhu cầu tăng vọt theo Nghị về cơ chế DPPA và Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu thì lại quá nhỏ bé.
Chuyên gia cũng phân tích, công suất của điện năng lượng mặt trời và điện gió vào giữa trưa sẽ chiếm hơn 50% tổng công suất các nguồn vào ngày làm việc bình thường, và con số này lên đến 80% vào những ngày nghỉ. Nhà máy thủy điện, điện than và điện khí khi đó sẽ phải tắt và phải khởi động lại vào chiều tối.
Nhưng vấn đề phát sinh ở đây là dù thủy điện có thể khởi động dễ dàng, nhưng than và khí lại không theo kịp. Nếu phải tắt “nóng” – tức tắt hẳn lò mà duy trì nhiệt độ lò nhưng không phát điện thì sẽ phát sinh chi phí để duy trì nhiệt. Vậy ai sẽ chi trả cho họ chi phí này? Như vậy sẽ không công bằng cho những nhà máy mang tính sống còn của hệ thống điện.
Chuyên gia Đào Nhật Đình cũng so sánh những nơi có tỷ lệ điện năng lượng tái tạo cao như California, South Australia, Đức sẽ thấy nhiều buổi trưa có giá điện âm, đồng nghĩa với việc ai phát lên lưới điện thì người đó sẽ phải trả tiền cho công ty điện. Số tiền này sẽ được hệ thống trả cho lưu trữ hay những nhà máy sẵn sàng phát vào buổi tối.
Bộ Công Thương “nắm đằng chuôi”?
Trước câu hỏi về việc liệu có quá nhiều mục tiêu và không hài hòa lợi ích giữa các bên trong chính sách điện mặt trời mái nhà, và liệu Bộ Công Thương đang “nắm đằng chuôi”, chuyên gia Đào Nhật Đình bày tỏ quan điểm ủng hộ việc Bộ Công Thương “nắm đằng chuôi” vì nó đảm bảo cho an toàn điện quốc gia.
Có thể bạn quan tâm: