Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời đến từ Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam có biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc cao nhất trong 4 nước là 271,45%.
Doanh nghiệp Việt bị cáo buộc bán phá giá pin năng lượng mặt trời vào Mỹ
Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương thông báo rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức mở cuộc điều tra về việc chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 nước (Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam). Vụ việc này có mã số A-552-841 (chống bán phá giá) và C-552-842 (chống trợ cấp).
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, các sản phẩm đang bị điều tra thuộc một số loại pin năng lượng mặt trời với mã HS 8501.61.0000, 8507.20.80, 8541.42.0010 và 8541.43.0010. Nguyên đơn là Liên minh Ủy ban thương mại sản xuất pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ.
Nguyên đơn đã cáo buộc khoảng 50 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bán phá giá và nhận trợ cấp, với thời gian điều tra chống bán phá giá từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/3/2024 và chống trợ cấp từ ngày 1/1 đến 31/12/2023.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, biên độ bán phá giá mà hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam bị cáo buộc là 271,28%, mức cao nhất trong bốn quốc gia bị điều tra, bao gồm Campuchia (125,37%), Malaysia (81,22%) và Thái Lan (70,36%).
Vì Hoa Kỳ vẫn xem Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế từ một quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong trường hợp này, Indonesia đã được đề xuất làm quốc gia thay thế.
Phối hợp điều tra
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tiến hành một cuộc điều tra về chương trình trợ cấp xuyên quốc gia, tạo ra nhiều thách thức trong quá trình ứng phó.
Theo đại diện của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), việc huy động các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc này gặp nhiều khó khăn do ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam chưa có hiệp hội chính thức đại diện.
Một số doanh nghiệp đã ngừng sản xuất hoặc chuyển dây chuyền sang các nước khác để tránh rủi ro khi bị kiện, khiến quá trình hợp tác điều tra và trả lời các câu hỏi trở nên khó khăn hơn.
Vì đây là vụ điều tra kép liên quan đến cả chống bán phá giá và chống trợ cấp, Chính phủ Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình trả lời và giải thích các câu hỏi liên quan đến trợ cấp.
Điều này nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Hiện tại, các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ để tham gia vào vụ việc này.
Vụ điều tra yêu cầu sự hợp tác không chỉ từ Chính phủ Việt Nam mà còn từ các doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. DOC đã ban hành hai bảng câu hỏi về lượng và giá trị để tiến hành điều tra chống bán phá giá, với hạn chót trả lời đã được gia hạn đến ngày 6/6/2024. Trong khi đó, vụ việc chống trợ cấp có thời hạn trả lời đến ngày 4/6/2024.