Tín chỉ carbon là thuật ngữ dùng để chỉ một tín chỉ hoặc giấy phép có thể giao dịch, một tín chỉ tương đương với một tấn CO2 (carbon dioxide) hoặc một lượng khí hiệu ứng nhà kính khác với khối lượng tương đương. Quá trình giao dịch các quyền phát thải Carbon dioxide hay các giao dịch carbon khác sẽ được thông qua những tín chỉ này.
Cơ chế hoạt động của tín chỉ carbon
Thị trường giao dịch carbon ra đời từ năm 1977 theo Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Theo nghị định này, các quốc gia có quyền phát thải thừa CO2 có thể bán/mua từ các quốc gia có lượng phát thải vượt quá/ít hơn mục tiêu họ cam kết.
Các ngành công nghiệp hoặc tổ chức phát thải khí CO2 trên một mức độ cho phép (giới hạn phát thải) sẽ phải mua tín chỉ carbon từ các tổ chức khác có lượng khí thải thấp hơn mức cho phép. Tín chỉ này hoạt động dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả giá”
Việc tính toán lượng tín chỉ carbon thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: loại ngành công nghiệp, quy mô của tổ chức và lượng CO2 phát thải thực tế. Các tiêu chuẩn và quy định liên quan đến tín chỉ carbon được thiết lập và triển khai bởi các tổ chức quốc tế như Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.
Các loại hình giao dịch tín chỉ carbon
Hiện nay có hai loại hình giao dịch phổ biến là thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc.
- Thị trường tự nguyện: nơi các tổ chức mua/ bán tín chỉ carbon dựa trên nhu cầu của riêng họ và không bị ràng buộc bởi quy định của pháp lý. Thị trường này cho phép các tổ chức thực hiện trách nhiệm xã hội và tạo ra lợi ích PR bằng việc giảm thiểu phát thải nhà kính. Thị trường tự nguyện có ưu điểm là khả năng thích ứng linh hoạt với nhu cầu thực tế của từng tổ chức nhưng không đủ mạnh để thức đẩy sự giảm thiểu phát thải nhà kính.
- Thị trường bắt buộc: nơi các tổ chức buộc phải tuân theo các giới hạn phát thải được thiết lập bởi cơ quan quản lý hoặc chính phủ. Nếu một tổ chức phát thải quá mức CO2 cho phép, họ sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon từ các tổ chức khác. Thị trường này có thể gây áp lực lên các tổ chức và ngành công nghiệp để thực hiện.
Tác động của tín chỉ carbon
Các hình thức năng lượng tái tạo như điện gió hay điện năng lượng mặt trời không phát thải CO2 hay các khí nhà kính khác, không gây ra tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu. Hơn nữa, việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch này còn góp phần bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường tính linh hoạt của hệ thống điện, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Đồng thời, việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo giúp tiết kiệm chi phí hóa đơn tiền điện hàng tháng cho người dùng.
Về mặt kinh tế, chúng tạo ra một thị trường thúc đẩy việc giảm thiểu khí thải nhà kính và cung cấp một cơ chế ổn định để giữ cho các doanh nghiệp tuân theo các quy định về môi trường. Đồng thời, tạo ra chi phí cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có lượng khí thải CO2 lớn.
Xét về mặt xã hội, tín chỉ carbon giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và khuyến khích các hành động nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính. Tuy nhiên, việc áp dụng thực thi cần được thực hiện một cách công bằng, rõ ràng để tránh gây ra tác động tiêu cực.
Về mặt môi trường, nó giúp thúc đẩy giảm thiểu khí thải nhà kính và chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc kiểm soát và thực thi tín chỉ carbon cần được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả để đảm bảo rằng nó thực sự đóng góp vào việc bảo vệ môi trường.
Thành phần tham gia trong thị trường giao dịch tín chỉ carbon là ai?
Nội dung: Mỗi doanh nghiệp hoặc nhà máy sản xuất đều tiêu thụ năng lượng và tạo ra một lượng khí CO2 nhất định. Khi lượng phát thải khí CO2 vượt mức cho phép, doanh nghiệp này phải tìm cách mua thêm tín chỉ carbon. Ngược lại, nếu một công ty chỉ phát thải một lượng CO2 < mức giới hạn của mình, họ có thể bán phần tín chỉ dư thừa cho một doanh nghiệp khác đang đối mặt với việc vượt mức phát thải cho phép.
Giả sử, công ty X được phép phát thải 20 tấn CO2 nhưng chỉ thực sự phát thải 15 tấn, điều này tạo ra một lượng tín chỉ dư thừa là 5 tấn. Trong khi đó, công ty Y cũng có giới hạn phát thải là 20 tấn CO2 nhưng thực tế họ đã phát thải lên đến 25 tấn. Do đó, công ty Y cần mua 5 tấn tín chỉ từ công ty X để đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.
Lợi ích mà doanh nghiệp có thể đạt được từ việc mua bán tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, phải kể đến:
- Tiết kiệm chi phí: Việc mua tín chỉ carbon có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm các chi phí liên quan đến phát thải CO2. Thay vì đầu tư vào các công nghệ đắt đỏ để giảm phát thải, doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon từ các đơn vị khác để hợp thức hóa lượng CO2 quá tiêu chuẩn cho phép.
- Nâng cao hình ảnh thương hiệu: Thực hiện các tiêu chí về tín chỉ carbon giúp doanh nghiệp tạo ra hình ảnh thân thiện, bảo vệ với môi trường, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội cùng là một cách để tăng cường uy tín thương hiệu và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, Đặc biệt với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
- Tiếp cận các thị trường mới: Việc tham gia thị trường carbon giúp doanh nghiệp mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới, như thị trường năng lượng tái tạo.
- Đáp ứng tốt các yêu cầu của nhà đầu tư: Ngày càng nhiều nhà đầu tư đặt ra yêu cầu về tín chỉ carbon. Doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu này bằng cách mua tín chỉ cho phù hợp với yêu cầu đặt ra.
- Tuân thủ quy định: Tham gia vào thị trường carbon giúp doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ các quy định về môi trường tại mỗi quốc gia nói riêng và quốc tế nói chung
- Tạo ra lợi nhuận: Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể thu lợi nhuận từ việc mua/bán tín chỉ carbon.
- Thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả vận hành: Việc tham gia vào thị trường carbon thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, tìm kiếm và áp dụng những giải pháp hiện đại mới để giảm phát thải, từ đó tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Việt Nam bắt đầu thí nghiệm sàn giao dịch tín chỉ Carbon từ 2025
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định về việc giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, đưa ra các điều khoản chi tiết của Luật Bảo vệ Môi trường, bao gồm:
- Điều 91 về việc giảm phát thải khí nhà kính.
- Điều 92 về việc bảo vệ tầng ozon.
- Điều 139 về việc tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Việt Nam được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ từ năm 2015 đến 2020, và đã tham gia vào việc chuẩn bị xây dựng thị trường carbon, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030.
Các đối tượng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, bao gồm:
- Các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
- Các tổ chức tham gia cơ chế trao đổi, bù trừ trong nước, quốc tế theo quy định của pháp luật và các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Các tổ chức và cá nhân khác liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính trên thị trường carbon.
>>Có thể bạn quan tâm: Điện mặt trời nổi, xu thế mới của năng lượng sạch
Thị trường carbon tại Việt Nam đang ngày càng trở nên sôi động, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ cam kết rằng vào năm 2050, Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu net zero tức mức phát thải ròng bằng 0.
Bên cạnh nhiều tiềm năng, thị trường carbon tại Việt Nam cũng gặp phải nhiều thách thức như: việc theo dõi, giám sát, thực hiện và báo cáo tiến trình mua/bán tín chỉ carbon; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, làm rõ những ngành nghề nào bắt buộc phải tham gia, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và kết nối với các doanh nghiệp.
Intech Energy – một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã đặt mình vào vị trí trong cuộc đua giảm lượng khí nhà kính thông qua việc tích hợp hoạt động tín chỉ carbon. Chúng tôi quyết tâm với cam kết bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững!