Tại buổi tọa đàm trực tuyến vào chiều ngày 30/8/2021 về việc ” Tháo gỡ khó khăn cho điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp” do Bộ Công Thương chủ trì, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là ông Phạm Nguyên Hùng cho biết chính sách mới cho điện mặt trời mái nhà sẽ không còn cơ chế giá FIT ưu đãi cố định 20 năm.
Theo Quyết định số: 13/2020/TTg của Thủ tướng Chính Phủ được phê duyệt vào ngày 06/04/2020 về việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, giá mua điện mặt trời áp mái ở mức 8,38 cent/kWh, tuy nhiên chính sách này đã chính thức hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020. Từ đó đến nay đã kéo dài 9 tháng, cơ chế chính sách tiếp theo về phát triển và giá mua lại điện từ các dự án điện mặt trời áp mái vẫn chưa có quyết định cũng như văn bản chính thức hướng dẫn cụ thể nào về thủ tục đăng ký lắp đặt, chấp thuận điểm đấu nối, hợp đồng mua bán điện và thanh toán tiền điện mua lại từ các dự án điện mặt trời áp mái.
Việc chưa có chính sách về giá mua điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời ảnh hưởng rất lớn đến các cá nhân, doanh nghiệp có mong muốn đầu tư các dự án điện mặt trời với mục đích tự dùng. Điều đó tác động rất lớn tới tâm lý của nhà đầu tư vì chờ đợi quá lâu sẽ làm trôi qua thời điểm tốt cũng như cơ hội của họ và một rủi ro khác là sẽ gặp phải tình trạng khan hiếm vật tư, thiết bị khi chính các nhà cung cấp vật tư thiết bị cũng có động thái cầm chừng sản xuất chờ cơ chế mới.
Trước đó, nhiều lần Bộ Công Thương cũng đã trình lên Thủ Tướng về dự thảo về cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái với những điểm đáng chú ý như: vẫn hưởng giá FIT ưu đãi cố định 20 năm và những dự án điện mặt trời áp mái có công suất trên 100KW thì lượng điện tự dùng phải đáp ứng tối thiểu 20%, EVN chỉ thanh toán tối đa 80% sản lượng phát ra từ hệ thống.
Giá mua điện dự thảo FIT3 trước đó đã trình lên Thủ tướng Chính Phủ
Cũng theo ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, Bộ Công Thương đang soạn dự thảo mới về cơ chế phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời áp mái. Điểm mới của dự thảo quyết định này đó là không còn giá FIT ưu đãi cố định trong 20 năm nữa, thay vào đó dự thảo đưa ra tỷ lệ tự dùng cho các dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà là từ 70-90%, phần điện dư từ 10-30% doanh nghiệp có thể bán lại cho EVN. Giá mua điện mới sẽ theo khung giá phát điện mặt trời hàng năm do Bộ Công Thương ban hành nhằm đảm bảo sát thị trường ( tức là giá mua điện mặt trời sẽ có hiệu lực theo từng năm thay vì giá FIT cố định 20 năm như dự thảo trước đó).
“ Giá mua điện bằng tối đa khung giá phát điện mặt trời hàng năm Bộ Công Thương ban hành, hay giá nào trong khung này thì chúng tôi đang bàn luận, nhằm đảm bảo có thể bù đắp thêm cho chi phí, thu hồi vốn của nhà đầu tư, hài hoà với phần mua điện từ EVN” ông Hùng nói.
Ngoài ra, theo Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo nói thêm: một điểm sáng mới trong dự thảo lần này đó là các dự án đầu tư điện mặt trời áp mái sẽ không còn bị hạn chế về công suất lắp đặt ( dưới 1MWp/1 dự án) như giai đoạn trước đó nữa mà thay vào đó một dự án có thể lắp đặt công suất lớn hơn ( có thể từ 7-8MWp) phụ thuộc vào điểm đấu nối được phê duyệt và được đấu nối vào lưới điện có cấp đện áp 35KV trở xuống. Đây là một quyết định vô cùng hợp lý và cần thiết vì các hệ thống điện được đấu nối vào lưới điện trung áp (22/35KV) và lưới điện hạ áp( 0.4/0.6KV) sẽ làm giảm áp lực lớn lên lưới điện cao áp mà không cần đầu tư xây dựng thêm các đường dây truyền tải công suất phát từ các hệ thống điện mặt trời và làm giảm tổn thất, tắc nghẽn hệ thống truyền tải.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh : chính sách mới sẽ tối ưu hóa, tận dụng tối đa được hạ tầng sẵn có vẫn đáp ứng được nhu cầu phụ tải tại chỗ. “ Điện mặt trời áp mái là nguồn điện phân tán, sử dụng mái nhà các công trình xây dựng đã có hoặc đang triển khai xây dựng, phục vụ nhu cầu sử dụng điện tại chỗ và tận dụng lưới điện phân phối có sẵn”, ông nhấn mạnh.
Hiện dự thảo quyết định của Thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo đang được Bộ Công Thương bàn thảo, và sẽ sớm lấy ý kiến các bộ, ngành.
Theo các chuyên gia và các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện mặt trời cho rằng không thể kỳ vọng kéo dài giá FIT để phát triển điện mặt trời nhưng chính sách mới cần hướng đến việc thúc đẩy thị trường một cách bền vững, không thể chạy theo lợi nhuận mà đầu tư ồ ạt vào điện năng lượng mặt trời. Không thể phủ nhận loại hình điện mặt trời áp mái là mô hình có nhiều ưu điểm và cần phát triển hơn nữa; tuy nhiên thực tế triển khai các dự án điện mặt trời áp mái cũng đang gặp nhiều rào cản và khó khăn về quy định của pháp luật với các quyết định và chính sách đượ đưa ra. Để loại hình điện mặt trời này tiếp tục phát triển và đi đúng hướng cần có những chính sách nhất quán, lâu dài và tránh “ thay đổi liên tuc” để tạo niềm tin và thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư.
Năm 2020 vừa qua là một năm bùng nổ về thị trường điện mặt trời áp mái với hơn 101.000 dự án điện mặt trời áp mái được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lên đến 9.296 MWp, tổng sản lượng lũy kế đạt 1,15 tỷ MWh góp một phần không nhỏ vào đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.
Tham khảo thêm: Lắp đặt điện mặt trời nên dùng tấm pin của hãng nào?
Những đóng góp của các dự án điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng là vô cùng cần thiết và quan trọng. Để phát triển ngành năng lượng tái tạo này đi đúng hướng và dài hạn, hơn tất cả là nhà nước cần có những chính sách phù hợp, quyết định đúng đắn để có thể tạo sức hút nguồn lực từ các nhà đầu tư đặc biệt là các dự án tư nhân đầu tư nhằm phát triển điện mặt trời đúng hướng và dài hạn.