Trong nhiều năm trở lại đây, việc lắp đặt và vận hành hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà diễn ra ngày càng mạnh. Tuy nhiên, công tác an toàn phòng cháy chữa cháy chưa thực sự được chú trọng đầu tư.
Bùng phát điện mặt trời mái nhà đi liền nỗi lo về an toàn phòng cháy chữa cháy
Từ ngày 6/4/2020, khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời, loại hình năng lượng sạch nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của cả người dân và doanh nghiệp Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, điều kiện khí hậu thuận lợi khiến cho việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà cũng diễn ra ồ ạt, tăng nhanh về số lượng.
Từ 2020 đến nay, đã có một số dự án điện năng lượng mặt trời bị cháy rụi, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Có thể kể đến điển hình như vụ cháy 60 tấm pin điện mặt trời mái nhà vào tháng 9/2020 tại nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (Khu công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) với ước tính thiệt hại lên đến gần 100 triệu đồng. Hay vụ cháy hệ thống điện mặt trời của công ty TNHH Phú Lợi Hưng xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) vào ngày 13/12/2020.
Theo Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Thượng tá Đặng Ngọc Hùng, sự gia tăng nhanh chóng của điện năng lượng mặt trời áp mái kéo theo sự xuất hiện và phát triển của nhiều nhà cung cấp thiết bị, vật tư cho loại hình này. Chính điều này làm cho việc kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn đảm bảo các yếu tố về phòng chống cháy nổ gặp rất nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời còn nhiều lỗ hổng khiến nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam – Ông Mai Duy Thiện cho biết: Việc cháy nổ có thể xảy ra do quá trình quản lý không nghiêm ngặt, thi công kém chất lượng, thiết bị sản xuất không đạt tiêu chuẩn dễ xảy ra chập cháy. Với ngành điện và chủ đầu tư khi đấu nối phải nghiệm thu kỹ càng, cẩn thận, có trách nhiệm khi đưa vào vận hành sẽ đảm bảo an toàn. Khi lắp đặt, người dân cần một đơn vị chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm đứng ra đảm bảo các vấn đề về môi trường và các khuyến cáo của Nhà nước về phòng cháy chữa cháy.
Đi tìm nguyên nhân gây cháy nổ
Ông Trần Văn Nhơn – Giám đốc Công ty CP Phát Triển Năng lượng Xanh Intech Việt Nam (Intech Energy), người có gần 10 năm kinh nghiệm làm trong ngành điện năng lượng, đã chia sẻ về một số lưu ý đơn giản nhưng lại giúp các chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà giảm thiểu được thiệt hại lớn.
Ông Nhơn cho biết, phần lớn các vụ cháy điện mặt trời mái nhà là do hồ quang DC. Hiện trên thế giới đang sử dụng chủ yếu 2 loại kết nối tấm pin mặt trời vào biến tần là kết nối nối tiếp (dùng string inverter) và kết nối song song (dùng micro inverter). Mỗi loại đều sở hữu những ưu nhược điểm riêng, loại string inverter có điện áp cao (700-1.000VDC), rất dễ sinh hồ quang và dễ dàng phát cháy, gây nguy hiểm khi có đám cháy xảy ra ở mái có lắp pin. Loại micro inverter có điện áp chuỗi thấp, tuy nhiên chi phí đầu tư lại quá cao.
Theo số liệu thống kê thực tế, ở Việt Nam hiện trên 95% dự án điện mặt trời mái nhà sử dụng loại kết nối tiếp nối (string inverter) bởi chi phí đầu tư hợp lý đi kèm với thời gian thu hồi vốn nhanh. Ngược lại, ở Mỹ và các nước tiên tiến, họ thường sử dụng loại micro inverter vì Luật Phòng cháy chữa cháy bắt buộc yêu cầu dùng loại thiết bị này.
Cũng theo nghiên cứu của nhiều vụ cháy điện năng lượng mặt trời mái nhà, tấm pin sẽ không thể gây cháy bởi cấu tạo của chúng hoàn toàn không dễ bắt lửa. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như dây DC là dây chuyên dụng chống cháy, không thể cháy lan nhanh; máng cáp kim loại cũng bị loại bỏ vì cấu tạo kim loại khó tạo thành đám lửa lớn được.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu các vụ cháy điện năng lượng mặt trời mái nhà, các chuyên gia cho rằng “thủ phạm” gây ra các vụ cháy chính là ống luồn cáp ruột gà. Trong quá trình thi công, luồn dây DC vào ống cáp ruột gà chính là một sai lầm cơ bản nhất. Thực tế, nhiều người lầm tưởng là an toàn cho công trình nhưng chính những ống luồn cáp này làm duy trì hồ quang DC vì nó ngăn chặn điểm hồ quang chạm đất nên biến tần không có tín hiệu phản hồi để tắt nguồn. Chính nguồn nhiệt của việc cháy ống nhựa luồn cáp sẽ hắt lên tấm pin làm cho tấm pin bốc cháy.
Giải pháp khắc phục như thế nào?
Thực tế khi điện mặt trời phát triển mạnh ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật nào cụ thể cho việc thiết kế, thi công. Các dự án điện mặt năng lượng trời mái nhà thi nhau mọc lên bởi công tác thi công quá đơn giản, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào cho an toàn phòng cháy chữa cháy. Nhiều công ty, nhà thầu sẵn sàng làm đầu tư EPC tất cả các công đoạn của quy trình thi công, trong khi kinh nghiệm chưa có nhiều.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp an toàn để xử lý lỗi cơ bản gây cháy điện mặt trời mái nhà bao gồm:
- Thứ nhất, cần cho cắt bỏ ống luồn cáp. Nếu có kinh phí, các nhà đầu tư nên lắp thêm các máng cáp kim loại vừa an toàn, vừa thuận tiện cho việc vận hành.
- Thứ hai, nếu chưa có điều kiện cắt bỏ ống luồn cáp thì cần kiểm tra thường xuyên để phát nhiệt mối nối định kỳ bằng các thiết bị chuyên dụng. Đồng thời phát hiện nhanh các bất thường nhằm có phương án giải quyết kịp thời.
- Thứ ba, bổ sung nối đất cho mái nhà xưởng để có điện trở nối đất càng thấp càng tốt, tín hiệu phản hồi sẽ nhanh nhạy hơn. Kiểm tra lại biến tần đang dùng liệu có chức năng tự động tắt AC khi có tín hiệu chạm đất không? Nếu không có cần phải thay loại biến tần khác hoặc kinh phí hạn chế thì có thể thêm lắp đặt thêm bộ tự cắt.
Trên đây là những nguyên nhân và giải pháp phòng cháy điện mặt trời mái nhà. Hy vọng mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Mọi thắc mắc liên hệ hotline 0966 966 819 để được giải đáp.