Con tàu chạy bằng năng lượng mặt trời vòng quanh thế giới Energy Observer đã dừng chân tại Cảng Sài Gòn, Việt Nam từ ngày 18.6 đến hết ngày 29.6.2022. Đây là điểm dừng chân thứ 73, và cũng là một trong những điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình Đông Nam Á của con tàu đặc biệt này.
Tàu du hành vòng quanh thế giới chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo
Đây là điểm đặc biệt nhất của tàu Energy Observer, khi nó có thể chạy bằng năng lượng được tạo ra từ gió, nước và năng lượng mặt trời. Nguồn năng lượng này được lưu trữ trong hệ thống 8 bình tích trữ năng lượng được trang bị trên tàu. Nguồn năng lượng tái tạo sẽ được chuyển hóa thành điện năng để phục vụ cho việc chạy tàu, cung cấp nguồn ánh sáng phục vụ cho sinh hoạt của các thuyền viên trên tàu.
Tàu quan sát năng lượng Energy Observer có chiều dài 30m và chiều ngang 12m, sức chứa tối đa 10 người, được trang bị hơn 200 tấm pin năng lượng mặt trời phía trên tàu. Khi chạy với tốc độ tối đa, tàu Energy Observer có thể đạt vận tốc lên tới 14 hải lý/giờ. Khi được sạc đầy năng lượng, tàu có thể di chuyển liên tục trong vòng 4-7 ngày.
Những tấm pin mặt trời không chỉ có khả năng hấp thụ và chuyển đổi năng lượng hiệu quả để tàu có thể hoạt động, mà còn có khả năng chịu lực rất tốt. Do đó, khách tham quan có thể dễ dàng dẫm, đi lại trên những tấm pin này một cách thoải mái.
Nhiệm vụ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông qua đổi mới sáng tạo
Tàu Energy Observer nhận được sự bảo trợ cấp cao của Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, cùng sự hỗ trợ chính thức của Bộ Chuyển đổi Sinh thái, Unesco, Liên minh châu Âu, của Irena (Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế) và Ademe (Cơ quan Môi trường và Quản lý năng lượng Pháp).
Tàu Energy Observer khởi hành vào năm 2017 từ Saint-Malo nước Pháp, tính tới trước thời điểm dừng chân tại cảng Sài Gòn, con tàu này đã đi hơn 50.000 hải lý, thực hiện 72 lần dừng chân, trong đó có 16 lần tổ chức làng giáo dục lưu động và đến thăm hơn 40 quốc gia.
Mục đích du hành vòng quanh thế giới của tàu quan sát năng lượng Energy Observer là để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông qua đổi mới sáng tạo, bằng cách chứng minh rằng các công nghệ và sự kết hợp năng lượng trên tàu hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt và có thể được nhân rộng hơn cả trên đất liền và trên biển.
Với tư cách là đại sứ đầu tiên của Pháp cho 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững, chuyến du hành này cũng nhằm khảo sát toàn bộ những giải pháp có lợi cho quá trình chuyển đổi sinh thái và nâng cao nhận thức của mọi đối tượng về sự chuyển đổi cần thiết này thông qua một loạt nội dung truyền cảm hứng và mang tính giáo dục (phim tài liệu, loạt phim đăng tải trên web, bài báo khoa học, triển lãm lưu động, v.v.).
Một hình thức du lịch trên phương tiện thân thiện với môi trường
Đây là mục đích chính cho chuyến ghé thăm Việt Nam của tàu Energy Observer (theo chia sẻ của thuyền trưởng Martin Jarry). Tại điểm dừng chân thứ 73 này, dưới sự phối hợp của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, thủy thủ đoàn đã giới thiệu hệ thống không phát thải tự động của tàu Energy Observer đến du khách, các nhà hoạch định chính sách và nhiều sinh viên, học sinh.
Việc giới thiệu về hệ thống vận hành của con tàu Energy Observer chính là giới thiệu về một hình thức du lịch mà việc di chuyển được thực hiện trên một phương tiện thân thiện với môi trường.
Theo kế hoạch dự kiến, các nhóm thuyền viên sẽ nhìn nhận những thách thức phức tạp và mang tính quyết định đối với tương lai nguồn năng lượng của Việt Nam bằng cách mở rộng tầm nhìn sang các chủ đề khác như: ô nhiễm và tái chế nhựa, khu dự trữ sinh quyển của UNESCO, tuabin gió gần bờ, năng lượng cacbon thấp và độ mặn của sông Mekong,…
Hành trình của tàu Energy Observer kết thúc thành công tốt đẹp
Tàu Energy Observer đã dừng tại TP.HCM đến ngày 29.6 nhưng không đón khách tham quan. Sau đó nó đã tiếp tục hành trình vòng quanh thế giới cho đến điểm kết thúc cuối cùng là thủ đô Paris, nước Pháp vào ngày 14/6/2024 vừa qua. Như vậy, con tàu chạy bằng năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới này đã hoàn thành chuyến hành trình vòng quanh thế giới của nó trong gần 7 năm, đi được khoảng 68.000 hải lý.
“Tôi cảm thấy rất xúc động và rất tự hào. Đây vẫn là một thành tựu về mặt công nghệ và con người vì đây là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời, và tôi tự hào về toàn bộ đội ngũ của mình. Xung quanh tôi là một nhóm đang phát triển, những người đã trở thành chuyên gia về các lĩnh vực của chúng tôi và sau đó là tất cả các đối tác của chúng tôi. Đó là một tập thể thực sự gồm những đối tác tận tâm đã cho phép chúng tôi làm được những điều tuyệt vời.” – Victorien Erussard, người sáng lập Energy Observer chia sẻ.
Xem thêm: