Thành công của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

Theo Dõi Intech Energy Trên

Tính đến ngày 31/12/2020, ngày cuối cùng của chương trình mua điện mặt trời với giá cố định đợt 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác nhận đã có tổng cộng 9,3 GWp (hay 7,4 GW) công suất điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; hơn 101.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt tại các hộ gia đình, các cơ sở thương mại và nhà xưởng trên khắp cả nước.

Những con số này đã vượt xa ngay cả những dự đoán tích cực nhất. Sự gia tăng mạnh mẽ này, gấp 25 lần công suất lắp đặt so với chỉ một năm trước đây, là kết quả của một chính sách được ban hành vào tháng 4 năm 2020 trong đó quy định các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ được hưởng giá mua điện là 8.38 cent/kWh trong khoảng thời gian 20 năm.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành năng lượng tái tạo Việt Nam đã khiến những người hoài nghi phải bất ngờ. Năm 2019, Việt Nam đã có màn ra mắt ấn tượng, ghi dấu vào bức tranh năng lượng bền vững của khu vực khi phát triển được 4,5 GW công suất điện mặt trời quy mô lớn trong vòng chưa đầy hai năm. Hiện nay, với công suất 16,5 GW, điện mặt trời đã chiếm 1/4 công suất hệ thống điện quốc gia, theo EVN.

Thành công của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đang gửi đi những thông điệp rõ ràng:

Thứ nhất, các nhà đầu tư dự án nhiệt điện than đang cầm chắc phần thua. Năm 2020, chỉ 1,2 GW công suất điện than mới được bổ sung vào nguồn điện quốc gia, và là đầu ra của những dự án nhà máy điện than mất nhiều năm để lên kế hoạch và xây dựng. Nhà máy Duyên Hải 3 Mở rộng với công suất 600 MW được khởi công vào năm 2014, trong khi đó nhà máy BOT Hải Dương có công suất 1,2 GW bắt đầu được xây dựng từ năm 2011, và đến năm 2020 mới chỉ một nửa công suất dự kiến được đưa vào vận hành.

Những con số này rất khập khiễng khi đem ra so sánh với thời gian triển khai dự án rất ngắn của các nhà đầu tư điện tái tạo. Thời gian hai năm vừa qua đã cho chính phủ thấy rằng các nhà đầu tư điện mặt trời có thể cung cấp công suất điện hiệu quả, nhanh chóng hơn rất nhiều so với các nhà đầu tư dự án nhiệt điện, và rằng họ có thể làm được điều này với các điều khoản của thỏa thuận mua bán điện (PPA) còn gây nhiều tranh cãi.

Hầu hết tất cả 16,5 GW công suất điện mặt trời mới đều đến từ các dự án điện độc lập do tư nhân tài trợ và vận hành, với nguồn vốn huy động từ các tổ chức cho vay trong nước và nước ngoài và không có sự hỗ trợ của chính phủ. Các nhà phát triển dự án trong nước sẵn sàng chấp nhận rủi ro với mẫu hợp đồng PPA tiêu chuẩn mặc dù hợp đồng này được coi là thiếu những điều khoản bảo vệ nhà đầu tư thường thấy ở các thị trường khác. Tuy vậy, nguồn vốn tín dụng vẫn dồi dào với vai trò ngày càng lớn của khối ngân hàng trong nước. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến tháng 6 năm 2020, các ngân hàng trong nước đã cung cấp các khoản vay lên tới 3,6 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo, một phần ba số tiền đó đã được giải ngân trong sáu tháng đầu năm.

He thong quang dien la gi

Thứ hai là các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần một cách tiếp cận linh hoạt khi quy hoạch ngành điện. Bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của thị trường điện là một thách thức và các con số dự báo chính thức về sự phát triển của năng lượng tái tạo thường phải cập nhật thường xuyên. Với lượng công suất điện mặt trời được bổ sung mới đây, IEEFA ước tính rằng các nhà đầu tư tư nhân đã đem lại một lượng công suất gấp 3,5 lần so với mục tiêu của chính phủ cho năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2016-2020. Ngành năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển nhanh chóng và táo bạo trong khi các nhà quản lý tiếp tục công tác xây dựng quy hoạch phát triển điện lực cho giai đoạn 2021-2030 (QHĐ8). Tính đến nay, ngành điện đã vượt qua mục tiêu 12,5GW điện mặt trời cho năm 2025 mà các nhà quản lý đã dự thảo cách đây chỉ hai tháng.

Quy hoạch điện 8 được kỳ vọng sẽ thiết lập một quỹ đạo phát triển có trật tự hơn cho hệ thống điện Việt Nam. Điều này là cần thiết, tuy nhiên, quy hoạch này không nên kìm hãm tiềm năng của các nguồn năng lượng tái tạo trong việc cung cấp nguồn điện nhanh và cạnh tranh về chi phí. EVN và người sử dụng điện tại Việt Nam sẽ là bên hưởng lợi nếu các nhà quản lý tránh đặt ra các mục tiêu cứng nhắc đối với mỗi dạng nguồn điện, đặc biệt là các mục tiêu kìm hãm động lực đầu tư vào điện mặt trời và điện gió nhằm giữ chỗ cho các nguồn nhiệt điện phát triển chậm.

Suất đầu tư năng lượng tái tạo ngày càng rẻ và các giải pháp tài chính mới sẽ đảm bảo rằng năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục thế chỗ các nguồn năng lượng hoá thạch, bao gồm than, khí đốt và khí LNG, trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong những năm tới.

Những quan ngại hiện nay của các cán bộ vận hành hệ thống về việc điều độ nguồn điện tái tạo không ổn định là có cơ sở, nhưng không phải là không có câu trả lời. Tập trung đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện và các giải pháp tích trữ năng lượng sẽ là chìa khóa giúp tối ưu hóa nguồn điện tái tạo để tạo ra dòng điện ổn định và tránh được rủi ro bị mắc kẹt với các nhà máy nhiệt điện quy mô lớn.

Xem thêm:

Chia sẻ:

Picture of Intech Energy
Intech Energy
INTECH ENERGY ✔️ Tổng thầu EPC điện mặt trời số 1 tại Việt Nam. Chúng tôi chuyên cung cấp giải pháp lắp đặt điện mặt trời tốt nhất với hàng ngàn dự án điện năng lượng mặt trời đã triển khai trên cả nước!
Thông tin liên hệ

Lô 5+6 KCN Lai Xá - Kim Chung - Hoài Đức - Hà Nội

0966.966.819

cskh@intechenergy.vn

Liên Hệ Với INTECH ENERGY

Bài Viết Mới Nhất