Mới đây, nhiều người dân đã phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 2.2024 tăng đột biến so với các tháng trước. Tình trạng này đã dấy lên nhiều lo lắng và bức xúc của nhiều khách hàng. Dù đại diện EVN Hà Nội đã đưa ra lời giải thích nhưng nhiều người vẫn thất khó hiểu, đồng thời cho rằng EVN giải thích lòng vòng, thiếu tôn trọng khách hàng khi không có thông báo trước khi thay đổi cách tính.
Thực trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến
Theo phản ánh của người dân thành phố Hà Nội, hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng đột biến ở nhiều khu vực khác nhau. Cụ thể, trao đổi với phóng viên báo Lao động chị Quỳnh trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông cho biết gia đình chị chỉ dùng những đồ điện cơ bản như: máy giặt, bình nóng lạnh, tủ lạnh, nồi cơm điện,….với mức hóa đơn hàng tháng khoảng 500.000 đồng, nhưng kỳ thanh toán tháng 2.2024 hóa đơn lên đến gần gấp đôi con số này. Ngay cả những ngày mùa hè nóng bức phải dùng điều hòa, tiền điện nhà chị cũng không cao đến mức đó.
Một trường hợp như anh Linh trú tại quận Cầu Giấy cũng bày tỏ sự bức xúc vì hóa đơn tiền điện tháng 2.2024 tăng vọt từ 2 triệu đồng lên tới 5.2 triệu đồng. Anh khá “sốc” với mức tiền điện cần chi trả.
Nguyên nhân do EVN đưa ra
Giải thích cho vấn đề này, ông Lê Ánh Dương – Phó Tổng Giám đốc Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, sở dĩ hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng đột biến bởi gộp 2 kỳ gồm tháng 1 và 2. Lý do, từ tháng 2, EVNHANOI sẽ triển khai kế hoạch thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ từ ngày đầu tháng về cuối tháng.
Cụ thể, trước đây, lịch ghi chỉ số công tơ là mùng 3-20 hàng tháng tùy khu vực, tức là nếu như trước đây sẽ chốt công tơ tháng 1 vào ngày 3-20/2, nhưng từ tháng 2 chuyển sang chốt công tơ vào ngày 29-2. Do đó, số ngày tính tiền điện của đợt này tăng từ 30 ngày (tháng 1) lên thành 38-57 ngày (số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và 2). Đây là lý do hóa đơn tiền điện tăng gần gấp đôi so với trước. Công thêm yếu tố thời tiết tại Hà Nội thời gian qua và việc được nghỉ tết dài, cũng góp phần làm tăng sản lượng tiêu thụ điện trong mỗi gia đình.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc thay đổi thời gian ghi chỉ số công tơ điện được EVN được triển khai và có lộ trình trong cả giai đoạn từ năm 2023 – 2025 để kỳ ghi chỉ số công tơ điện trùng khớp với lịch dương của mỗi tháng, giúp thuận tiện cho việc theo dõi của người dân và cơ quan quản lý.
Đại diện EVN cũng cho biết, thời điểm chuyển đổi lịch ghi chỉ số công tơ điện tùy theo địa phương lựa chọn. Đến nay, các tỉnh, thành phố ở miền Trung và miền Nam đã hoàn thành, còn lại một số tỉnh, thành phố ở phía Bắc đang triển khai.
Giải thích lòng vòng
Nhiều người cho rằng cách giải thích của EVN khó hiểu và không thoả mãn. Bởi nhiều hộ gia đình không ở lại thủ đô ăn tết đến cả 10 ngày thậm chí là 2 tuần nhưng hóa đơn tiền điện lại cao gấp đôi những tháng trước đây.
Ngoài ra, nếu EVN thay đổi ngày chốt công tơ thì cần thông báo trước. EVN là bên cung cấp dịch vụ, người dân là khách hàng, vì vậy về mặt quan hệ cần có quan hệ bình đẳng. Nếu có bất cứ sự thay đổi nào về cách tính tiền điện, EVN cần có thông báo trước chứ không để khách hàng bị động như thế.
Bình thường, hóa đơn thông báo tiền điện sẽ được gửi về email hoặc số điện thoại của chủ hộ, nhưng tháng 1 người dân hoàn toàn không nhận được thông báo về hóa đơn tiền điện hay cách tính được EVN điều chỉnh?
Kết luận
Tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng đột biến đã gây ra nhiều tranh cãi và bức xúc cho người dân. Dù EVN đã đưa ra một số nguyên nhân giải thích, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy chưa được thỏa đáng. Lời giải thích của EVN bị cho là lòng vòng, thiếu sự cụ thể và minh bạch.